4. THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG THẾ GIAN DƯỜNG NÀO
Thế giới ngày nay"Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con một của Ngài, để ai tin nơi Người sẽ không phải chết nhưng được sống đời đời.
Thiên Chúa đã không sai Con Ngài đến trong thế gian để phán xét thế gian, nhưng để thế gian được cứu rỗi nhờ Người" (Ga 3,16-17).
Hai câu này của Tin Mừng Thánh Gioan vang dội tất cả sự cao cả và lầm than của con người như Pascal đã nói.
Trong Thông Ðiệp Redemptor Hominis, Chúa Cứu Thế, Ðức Gioan Phaolô II đã quả quyết rằng "con người (...) là lộ trình đầu tiên và cơ bản của Giáo Hội" (số 14). Và trong Thông Ðiệp Dives in Misericordia, Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương, Ngài viết: "Trong Chúa Giêsu Kitô, mọi nẻo đường gặp gỡ con người mãi mãi được ủy thác cho Hội Thánh qua dòng thời gian biến đổi, và đồng thời cũng là cuộc hành trình gặp gỡ Chúa Cha và tình thương của Ngài" (số 1).
Công Ðồng Chung Vatican II, trong Hiến chế mục vụ "Vui Mừng và Hy Vọng" đã mô tả tình trạng con người trong thế giới ngày nay như sau: "một thế giới được Thiên Chúa yêu thương", và vì thế giới ấy, Chúa Giêsu đã trả một giá thật đắt: "Theo tình hình đang diễn ra, thế giới ngày nay vừa mạnh mẽ nhưng đồng thời lại vừa yếu đuối, có khả năng làm những điều tốt lành và xấu xa... Thế giới đang mở con đường hoặc tự do hoặc nô lệ, tiến bộ hoặc suy thoái, tình huynh đệ hoặc oán ghét" (GS 9).
Hội Thánh phải nghe tiếng kêu cứu của thế giới và đồng thời quan sát dưới ánh sáng Chân Lý đã đón nhận từ nơi Thiên Chúa để nhận diện những Hy Vọng và đe dọa, những lo lắng và những lý do gây lo âu. Nói tóm lại, Hội Thánh phải thấy rõ mặt phải cũng như mặt trái của thế giới ngày nay.
Tôi thiết nghĩ không ai có thể tổng hợp sâu sắc hơn cái nhìn này cho bằng Ðức Phaolô VI trong Chúc thư của Ngài:
"Nhắm mắt trên trái đất đau thương, bi thảm và tuyệt vời này, một lần nữa, tôi cầu xin lượng từ nhân Chúa đổ xuống trên trái đất này" (Chúc Thư của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI, 30-6-1965, số 6 trong báo Osservatore Romano ngày 12.8.1978 trang 2).
Một trái đất tuyệt vời
Những lời đầu tiên của Hiến Chế mục Vụ vừa trưng dẫn gồm có 4 chữ: "Vui mừng và Hy Vọng, buồn thảm và lo âu" (Gaudium et Spes, luctus et angor).
Tôi xin bắt đầu từ những điểm sáng, điểm tích cực.
Sau hai cuộc thế chiến trong tiền bán thế kỷ XX vừa qua, với những đau khổ khôn tả, với hàng triệu nạn nhân nguyên trong Thế Chiến Thứ II, và những tàn phá chưa từng có, thế giới chúng ta trong nhiều năm trời hạ bán thế kỷ XX, đã chịu đựng cơn ác mộng chiến tranh lạnh giữa hai khối ý thức hệ đối nghịch nhau, với sự đe dọa liên tục của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tại Âu Châu, với sự sụp đổ của các chế độ độc tài áp bức, chế độ mà, theo tài liệu của "Cuốn sách đen của chế độ cộng sản", đã làm cho 100 triệu người chết (1), thế giới đã thấy một viễn tượng mới về hòa bình.
Chúng ta có thể vui mừng ghi nhận những tiến bộ rất đáng kể:
- Tỷ lệ trẻ em chết sớm giảm bớt một nửa từ năm 1965;
- Hy vọng sống lâu gia tăng thêm 10 năm kể từ năm 1970;
- Tỷ lệ trẻ em cắp sách đến trường ở bậc tiểu và trung học tăng quá gấp đôi;
- Tỷ lệ người lớn biết chữ gia tăng từ gần 50% lên 70%;
- Lợi tức bình quân mỗi đầu người tăng gấp ba trong vòng 50 năm gần đây.
Bước qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng và bước vào Ngàn Năm thứ ba, nhân loại vui mừng nhận thấy có sự gia tăng ý thức về các quyền căn bản của con người và quyền tự quyết của các dân tộc, đề cao các giá trị bản sắc văn hóa, tôn trọng các nhóm dân thiểu số, cũng như ý thức về giá trị của dân chủ và thị trường tự do.
Các tôn giáo ý thức và quyết tâm thi hành vai trò của mình trong việc đối thoại, hòa giải, như một yếu tố căn bản của hòa bình và hiệp nhất cho thế giới.
Sự thăng tiến phụ nữ được hưởng ứng trong xã hội dân sự và trong Giáo Hội.
Trách nhiệm đối với thiên nhiên là một đề tài mới và chiếu dọi ánh sáng mới giúp ý thức hơn về hồng ân của Thiên Chúa.
Những tiến bộ lớn trong ngành thông tin, y khoa và khoa học là những lý do làm Hy Vọng về một cuộc sống sung túc hơn và đồng thời cũng là lý do khiến họ biết ơn Ðấng Tạo Hóa.
Người ta nhận thấy trong những bối cảnh đầy ý nghĩa, có một sự bừng tỉnh mạnh mẽ về chiều kích thiêng liêng, về đời sống nội tâm và sự chân thành. Càng ngày càng có nhiều người ao ước được Ðấng Tuyệt Ðối, và sự khao khát cầu nguyện cũng gia tăng.
Việc toàn cầu hóa, một cách nào đó cũng góp phần vào việc kiến tạo một tương lai thế giới hiệp nhất và liên đới hơn. Tất cả đều mong muốn có tình huynh đệ giữa con người với nhau.
Các phong trào mới trong Giáo Hội triển nở như một mùa xuân của Hội Thánh, với chứng tá vui tươi của họ trong niềm tin, cậy, mến.
Một trái đất đau thương
Nhân loại tiến vào Ngàn Năm Thứ Ba với tiềm năng lớn lao về hòa bình và tiến bộ làm cho chúng ta vui mừng và cảm thấy khích lệ. Nhưng công việc hằng ngày cũng giúp tôi nhận thấy rằng nhiều dân tộc ngày nay vẫn còn chịu đau khổ vì bị gạt ra ngoài lề và bị kỳ thị, nhân phẩm của họ không được tôn trọng. Vẫn còn có nhiều người, như ông "Ladarô" quanh bàn tiệc của người giàu, đang chịu đau khổ vì nghèo đói, bất an về sức khỏe và văn hóa.
Theo Ngân Hàng Thế Giới:
- 1 tỷ 300 triệu người đang sống dưới mức nghèo đói cùng cực.
- 840 triệu người bị đói, trong đó có 200 triệu trẻ em. Trong số này mỗi năm có 13 triệu người phải chết: tức là gần 36 ngàn người mỗi ngày, 1,500 người mỗi giờ, 25 người mỗi phút, và cứ 3 giây đồng hồ thì có một người chết đói.
- Vẫn còn nhiều "Ladarô" chờ đợi quanh bàn tiệc và họ phải sống trên đường phố, ăn những thức còn thừa trong đĩa của thực khách ở các tiệm ăn. Thật là những điều không thể tưởng tượng nổi.
- Khoảng 1 tỷ rưỡi người dân trên thế giới chỉ hy vọng sống dưới 60 tuổi và hơn 880 triệu người thiếu các dịch vụ y tế, 2 tỷ 600 triệu người không được hưởng những cơ cấu y tế căn bản.
- Trong khoảng thời gian từ 1990 đến 1997, số người bị vi trùng HIV/AIDS tăng từ gần 15 triệu lên hơn 33 triệu.
Ðức Giáo Hoàng, khi nói về những lo âu của thời đại chúng ta, quả quyết rằng "tất cả những gì diễn ra trong bối cảnh một sự hối hận vĩ đại do sự kiện bên cạnh những người và xã hội dư giả, sống trong thừa mứa, chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ và hưởng thụ, không thiếu trong cùng gia đình nhân loại những cá nhân và nhóm xã hội đang phải chịu đói khổ. Cũng không thiếu những trẻ em chết đói dưới mắt bất lực của các bà mẹ..." (2).
Nạn nghèo sinh ra những tai họa khác: như nạn mãi dâm - nguyên tại Tây Âu có nửa triệu phụ nữ làm nghề này - hoặc nạn buôn bán ma túy nơi các trẻ em; nạn bạo lực và phạm pháp. Tình trạng thiếu việc làm là nguyên nhân khiến cho nhiều người trẻ tuyệt vọng tự tử.
Trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh Năm Ðại Toàn Xá, ÐTC đã kêu gọi xóa nợ hoặc ít là giảm cái vòng lẩn quẩn tàn hại của nợ nần mà các nước đang trên đường phát triển gặp phải. Trường hợp Phi Châu thật là tỏ tường. Mặc dù trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1996, Phi châu ở miền nam sa mạc Sahara đã trả gấp đôi số tiền họ mắc nợ nước ngoài, nhưng ngày nay, họ đang mắc nợ gấp 3 lần so với tình trạng cách đây 16 năm.
Một khuôn mặt đặc biệt của nghèo đói là tình trạng bất an về văn hóa. Năm 1997, hơn 850 triệu người lớn không biết chữ, và hơn 260 triệu trẻ em không được cắp sách đến trường ở trình độ tiểu học và trung học.
Thêm vào đó việc buôn bán bất hợp pháp ma túy và võ khí, cũng như sự lưu thông tiền bạc bẩn thỉu là những nguyên nhân gây nên chiến tranh. Trong khoảng thời gian từ 1989 đến 1998, đã có 81 cuộc chiến tranh: 3 cuộc chiến giữa các nước, và 78 cuộc nội chiến. Hàng ngàn thiếu niên, từ tuổi 14, đã bị động viên và xung vào chiến tranh. Nhiều trẻ em bị thiệt mạng, nhiều em khác bị tàn phế, và những em khác trở nên quen thuộc với oán thù, bạo lực và tàn sát...
Tôi nghĩ đến núi Cây Dầu, trước thành Giêrusalem. Tại nơi "Chúa khóc", trước thành ấy. Nếu ngày nay, Chúa Giêsu đi qua thế giới "đau khổ và bi thảm này" có lẽ Ngài cũng sẽ khóc và thốt lên rằng: "Thầy cảm thấy thương đám dân này". Tại nhiều nơi, Ngài vẫn còn bị đóng đinh và kêu lên "Ta khát".
Một trái đất bi thảm
Mặc dù có những tiến bộ đầy khích lệ được ghi nhận, trong thời đại hoàn vũ hóa này, hố chia cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu rộng hơn.
Thật là một sự kiện khó tin: tài sản của ba người giàu nhất thế giới bằng tổng sản lượng của 48 nước nghèo nhất. 1 tỷ 300 trệu người sống với chưa đầy một mỹ kim mỗi ngày.
Cũng thật là ngỡ ngàng khi nghe biết rằng tại các nước công nghệ, có 88% tổng số những người dùng Internet, trong khi 2 tỷ người khác không có điện.
Một vùng đen tối khác bao trùm toàn thể lãnh vực các giá trị luân lý của con người, nơi nội tâm và trong sự chủ quan của họ. Chúng ta có thể nhắc đến thái độ rất nguy hiểm là tương đối hóa luân lý, một thứ "bệnh ung thư chủ quan" (3), một sự sa đọa của nhân loại. Thái độ này càng làm tăng thêm trào lưu loại trừ Kitô giáo, chủ thuyết vô thần thực hành, sự thu hẹp đức tin vào lãnh vực riêng tư. Trong các thế kỷ trước đây, Hội Thánh đã chịu đau khổ nhiều về cuộc khủng hoảng đức tin mạnh mẽ, còn trong thời đại chúng ta, cuộc khủng hoảng xoay quanh vấn đề luân lý: chân lý về con người bị lu mờ. Và gia đình bị băng hoại, trật tự thiên nhiên bị đảo lộn, người ta lạm dụng tự do và không tôn trọng sự sống...
Sự thành thị hóa cũng tạo nên những vấn đề mới về mục vụ. Năm 2015 tới đây, cứ 5 người Pháp, thì có một người sống ở vùng Paris. Tệ hơn nữa là nạn di dân từ vùng này qua vùng khác vì thiếu công ăn việc làm. Hiện tượng ngày càng nhiều người già làm vỡ các hệ thống hưu bổng tại nhiều quốc gia.
Trong 15 năm tới đây, tại nhiều nước Âu Châu, giai cấp thợ thuyền cũng như nông dân sẽ bị giảm sút rất nhiều. Ví dụ, tại Pháp, năm 1984 có 8 triệu 200 ngàn công nhân, ngày nay chỉ còn lại 6 triệu rưỡi, và vào năm 2015 tới đây, chỉ còn 4 triệu người mà thôi. Các giai cấp xã hội cũng dần dần chấm dứt. Xã hội ngày mai sẽ gồm hơn 75% nhân viên các cán bộ trung cấp.
Các hệ thống viễn liên điện toán thay đổi xã hội chúng ta một cách sâu rộng. Cùng với cuộc cách mạng đó, mọi điều thiện và điều ác đi thẳng vào nội tâm của mỗi gia đình. Vì thế, cả những nước độc tài cũng không thể dựng nên những bức tường, những hàng rào hoặc cấm đoán. Tất cả những thay đổi đó có ảnh hưởng mạnh mẽ tới Dân Chúa. Chúng ta nghĩ tới một xác tín mạnh mẽ của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII: nếu Giáo Hội không đi gặp nhân loại, thì nhân loại sẽ không gặp Giáo Hội.
Chúng tôi loan báo một Tin Mừng: Ðấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta
Ðứng trước những bóng đen tối tăm đó, vang dội lên trong tâm trí chúng ta những lời Chúa Giêsu đọc trong sách tiên tri Isaia, tại Hội đường Nadarét: "Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi; vì thế, Ngài đã xức dầu thánh hiến tôi và sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo, loan báo sự giải thoát cho các tù nhân và người mù được thấy; người áp bức được tự do, và rao giảng năm hồng ân của Chúa" (Lc 4,18-19).
Năm Ðại Toàn Xá mang lại cho chúng ta một Hy Vọng về sự canh tân mạnh mẽ "trái đất đau thương, bi thảm, tuyệt vời này" nhờ ơn của một lễ Hiện Xuống Mới. Nếu không có sự hoán cải nội tâm, phần lớn nhân loại có nguy cơ tiến từ kinh nghiệm bị bóc lột tới loại trừ, và từ loại trừ tới hủy diệt.
Viễn tượng của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI: "Một trái đất đau thương, bi thảm và tuyệt diệu" vẫn không rời tôi. Tôi mơ ước một niềm Hy Vọng lớn:
Tôi mơ ước một Hội Thánh là Cửa Thánh, mở rộng, bao gồm mọi người, đầy lòng từ bi và cảm thông mọi cơ cực, đau khổ của nhân loại, và tìm cách an ủi họ.
Tôi mơ ước một Hội Thánh là Lời Chúa, phổ biến Sách Tin Mừng ra mọi phương trời, trong cử chỉ loan báo và tuân phục Lời Chúa, như một lời hứa của Giao Ước vĩnh cửu.
Tôi mơ ước một Hội Thánh là Bánh, Thánh Thể, muốn trở thành hồng ân và để cho mình được mọi người ăn, hầu cho thế giới được sự sống dồi dào.
Tôii mơ ước một Hội Thánh say mê sự hiệp nhất như Chúa Giêsu mong muốn (cf Ga 17), như Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người mở Cửa Thánh và cầu nguyện trên ngưỡng cửa rồi cùng tiến lên với một Ðức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo và Ðức Tổng Giám Mục Anh Giáo của giáo phận Cantebury, và nhiều vị đại diện khác.
Tôi mơ ước một Hội Thánh trên đường lữ hành, Dân Thiên Chúa theo sau Ðức Giáo Hoàng mang Thánh Giá, tiến vào Ðền Thờ Chúa, cầu nguyện và ca hát, hướng về Chúa Kitô Phục Sinh, là niềm Hy Vọng duy nhất và hướng về Mẹ Maria và tất cả các Thánh.
Và tôi ngưỡng mộ các anh em tôi thuộc các cơ quan khác nhau của Trung Ương Tòa Thánh, trong những giờ rảnh không phải làm việc tại văn phòng, đến giúp các cộng đoàn giáo xứ trong công việc mục vụ.
Tôi mơ ước một Hội Thánh mang trong tâm hồn lửa của Thánh Linh, và ở đâu có Thánh Linh, ở đó có tự do, và có đối thoại chân thành với thế giới, nhất là với giới trẻ, với những người nghèo, người sống ngoài lề, có sự nhận diện các dấu chỉ thời đại. Giáo huấn xã hội của Hội Thánh, dụng cụ rao giảng Tin Mừng (4), hướng dẫn chúng ta trong việc nhận định những thay đổi trong xã hội ngày nay.
Tôi mơ ước một Hội Thánh là Chứng Nhân của Hy Vọng và Tình Thương, bằng những hành động cụ thể, như khi chúng ta thấy Ðức Giáo Hoàng tiếp nhận tất cả mọi người: Chính thống, Anh giáo, Calvin, Luther... trong ơn thánh của Chúa Giêsu Kitô, tình thương của Chúa Cha và sự hiệp thông của Thánh Thần được sống trong kinh nguyện và trong sự khiêm tốn.
Vui mừng và Hy Vọng dường nào!
Lạy Mẹ Maria chí thánh, là sự sống, sự dịu ngọt và là Hy Vọng của chúng con, xin cầu cho chúng con!
Tác giả bài viết: Đức Hồng Y Phanxicô Xavie
Nguồn tin: cuusaobiennhatrang
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét