.

Mẹ Fatima Bổn Mạng Giáo Xứ Bích Lâm

Mẹ Fatima Bổn Mạng Giáo Xứ Bích Lâm
.

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Thế Giới Nhìn Từ Vatican 29/3-5/4

1. Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư Mùng 3 tháng Tư
Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư Mùng 3 tháng Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý về năm Đức Tin đã được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 khởi xướng. Trước 35,000 khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã nói về biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu và vai trò của các phụ nữ trong việc truyền bá đức tin.
"Tiếp tục loạt bài giáo lý về Kinh Tin Kính, giờ đây chúng ta chuyển đến câu: "Ngày Thứ Ba Ngài đã sống lại như lời Thánh Kinh” "

Niềm tin vào sự Phục sinh của Chúa Kitô là trung tâm điểm đức tin của chúng ta, là cơ sở cho niềm hy vọng của chúng ta vào những lời hứa của Thiên Chúa và cũng là là cơ sở cho niềm tin mãnh liệt của chúng ta vào chiến thắng chung cuộc trên tội lỗi và sự chết.

Các nhân chứng đầu tiên của biến cố Phục Sinh là những phụ nữ, là những người đã đến mồ vì lòng yêu mến Chúa, họ đã đón nhận với niềm vui thông điệp Phục Sinh và sau đó báo tin mừng này cho các Tông Đồ.

Đến lượt chúng ta cũng phải như thế, chúng ta cần phải chia sẻ niềm vui phát sinh từ đức tin của chúng ta vào biến cố Phục sinh! Trong lịch sử Giáo Hội, phụ nữ đã có một vai trò đặc biệt trong việc mở cửa đức tin vào Chúa Kitô cho nhiều người, vì đức tin luôn luôn là một phản ứng đối với tình yêu.

Với con mắt đức tin, chúng ta cũng gặp Chúa Phục Sinh trong nhiều dấu chỉ sự hiện diện của Ngài: Thánh Kinh, Thánh Thể và các bí tích khác, và các nghĩa cử bác ái, lòng tốt, sự tha thứ và lòng thương xót mang lại một tia Phục Sinh của Người vào thế giới của chúng ta. Cầu xin cho đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô Phục sinh có thể biến chúng ta thành những dấu chỉ sống động trong thế giới của chúng ta về sự chiến thắng của cuộc sống và hy vọng trên tội lỗi, sự dữ và cái chết ".

Đức Giáo Hoàng đã chào hỏi các tín hữu như sau:

"Tôi nồng nhiệt chào đón tất cả các du khách nói tiếng Anh hiện diện tại buổi triều yết ngày hôm nay, bao gồm cả những người từ Anh, Scotland, Wales, Ireland, Na Uy, Thụy Điển, Úc, Phi Luật Tân, Canada và Hoa Kỳ. Một cách đặc biệt tôi chào thăm các phó tế mới được thụ phong linh mục từ trường Học Viện Giáo Hoàng Ái Nhĩ Lan và gia đình họ.

Tôi cũng nồng nhiệt chào đoàn đại biểu của Thượng viện Hoa Kỳ. Tôi cám ơn các dàn hợp xướng đã ca ngợi Thiên Chúa trong các bài hát. Tôi chân thành xin Chúa tuôn đổ niềm vui và bình an là hồng ân vĩnh cửu của Chúa Phục Sinh.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu đón nhận chiến thắng của Chúa Kitô trên sự ác và diễn tả qua những thực tại cụ thể của lịch sử và xã hội.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng lần đầu tiên, trưa ngày mùng Một Tháng Tư, tức là thứ hai sau Phục Sinh, với khoảng 40 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô. Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em! 

Cầu chúc tất cả anh chị em lễ Phục Sinh tốt đẹp! Tôi cám ơn anh chị em hôm nay đến đây đông đảo để chia sẻ niềm vui của lễ Phục Sinh, mầu nhiệm chủ yếu của đức tin chúng ta. Ước gì sức mạnh Phục Sinh của Chúa Kitô đến với mỗi người - nhất là những người đang chịu đau khổ - và tất cả những ai đang trong hoàn cảnh cần niềm tín thác và hy vọng hơn cả”.

”Chúa Kitô đã chiến thắng sự ác một cách trọn vẹn và chung kết, nhưng mỗi người chúng ta, những người thuộc mọi thời đại, có nhiệm vụ đón nhận chiến thắng ấy trong cuộc sống bản thân và trong những thực tại cụ thể của lịch sử và xã hội. Vì thế, tôi thấy một điều quan trọng là nhấn mạnh điều mà hôm nay chúng ta cầu xin Chúa trong Phụng Vụ: “Lạy Cha, là Đấng làm cho Giáo Hội của Cha được tăng trưởng bằng cách luôn ban cho Giáo Hội những người con mới, xin ban cho các tín hữu của Cha được biểu lộ trong cuộc sống bí tích mà họ đã lãnh nhận trong đức tin” (Kinh Tổng nguyện thứ 2 tuần bát nhật Phục Sinh).

“Đúng vậy, bí tích rửa tội làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, bí tích Thánh Thể liên kết chúng ta với Chúa Kitô, phải trở thành sự sống, nghĩa là phải được biểu lộ của các thái độ, lối cư xử, những cử chỉ và chọn lựa. Ơn thánh chứa đựng trong các bí tích Phục Sinh là một tiềm năng canh tân rất lớn cho cuộc sống bản thân, cho đời sống gia đình, cho các quan hệ xã hội. Nhưng tất cả đều tiến qua tâm hồn con người: nếu tôi để cho ơn thánh của Chúa Kitô phục sinh đạt tới, nếu tôi để ơn thánh biến đổi tôi trong những khía cạnh không tốt, có thể gây hại cho tôi và tha nhân, thì có nghĩa là tôi để cho chiến thắng của Chúa Kitô vững mạnh trong đời sống của tôi, mở rộng những hoạt động tốt lành của tôi. Đó chính là sức mạnh của ơn thánh!”

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

“Anh chị em thân mến, biểu lộ trong cuộc sống bí tích chúng ta đã nhận lãnh: đó chính là sự dấn thân hằng ngày của chúng ta và tôi có thể nói đó là niềm vui thường nhật của chúng ta! Niềm vui cảm thấy mình là dụng cụ của ơn thánh Chúa Kitô, như những nghành của cây nho là chính Ngài, được sống động nhờ nhựa sống của Thánh Linh Ngài”.

“Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, nhân danh Chúa đã chịu chết và sống lại, và nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria chí thánh, để Mầu Nhiệm Phục sinh có thể tác động sâu xa trong chúng ta và trong thời đại chúng ta ngày nay, để oán ghét nhường chỗ cho tình thương, dối trá nhường chỗ cho sự thật, oán thù nhường chỗ cho tha thứ, sầu muộn nhường chỗ cho vui mừng”.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha còn chào thăm tất cả các tín hữu hành hương đến từ các đại lục để tham dự buổi đọc kinh này. 

3. Đức Thánh Cha Phanxicô viếng mộ Thánh Phêrô

Chiều Thứ Hai Phục Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi thăm khu vực hầm mộ bên dưới Đền thờ Thánh Phêrô, trong đó có mộ của Thánh Phêrô. Cùng đi với Ngài có linh mục trưởng Đền thờ là Đức Hồng Y Angelo Comastri, và các vị đứng đầu của các dự án khảo cổ học là các tiến sĩ Pietro Zander và Mario Bosco, Đức Thánh Cha đã đi qua các hầm mộ, nghe lời giải thích của các nhà khảo cổ, trước khi đến mộ của Thánh Phêrô, chính xác nằm bên dưới bàn thờ trung tâm và vòm nhà thờ.

Đức Thánh Cha Phanxicô dừng lại cầu nguyện trong nhà nguyện Clementine, trước khi đi đến các hang Vatican, nơi đó Ngài đã kính cẩn cầu nguyện trước các mộ của các Đức Giáo Hoàng của thế kỷ 20, gồm có: Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV, Đức Giáo Hoàng Piô XI, Đức Giáo Hoàng Piô XII, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I. Chuyến thăm kéo dài khoảng 45 phút, bắt đầu từ năm giờ chiều giờ Rôma. Trên đường ra về, Đức Thánh Cha Phanxicô chào các nhân viên thi hành công vụ, và trở về Nhà thánh nữ Martha giống như cách Ngài đã đi đến, tức là Ngài hoàn toàn đi bộ.

4. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Tư năm 2013

Tòa thánh đã công bố ý cầu nguyện của Đức Thánh Phanxicô cho tháng 4-2013.

Ý chung là: "Xin cho việc cử hành đức tin, công khai và trong cầu nguyện, đem lại sự sống cho các tín hữu".

Ý truyền giáo là: "Xin cho các Giáo hội truyền giáo có thể là dấu chỉ và công cụ của niềm hy vọng và sự sống lại".

5. Đức Thượng phụ Latinh ở Giê-ru-sa-lem nói rằng Đức Giáo Hoàng sẽ được ‘chào đón nồng nhiệt’ như một người hành hương

Trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh tại Nhà thờ Mộ Thánh, Đức Thượng Phụ Latinh ở Giê-ru-sa-lem đã nói về tầm quan trọng của sự hiệp nhất Kitô giáo, hối thúc người Công giáo địa phương hãy tích cực truyền giáo, và nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được "chào đón nồng nhiệt" như một người hành hương tại Thánh Địa.

Đức Thượng phụ Fouad Twal nói: "Thiên Chúa mời gọi chúng ta nơi đây hãy mang ánh sáng đức tin ở trung tâm của khu vực Trung Đông, nơi Kitô giáo được sinh ra, nơi Giáo Hội Mẹ của Giê-ru-sa-lem đã được sinh ra, và nơi mà tất cả mọi thứ thuộc Kitô giáo đã được sinh ra". Ngài nói thêm: 

”Đó là lý do tại sao việc truyền giáo mới của chúng ta, để được cập nhật hóa và có có hiệu quả, phải bắt đầu lại từ Giê-ru-sa-lem: bắt đầu từ cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, là những người "chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42); và bắt đầu lại từ cộng đoàn đầu tiên bắt nguồn từ chính Chúa Kitô, có một chính nghĩa và sẵn sàng thực hiện bất kỳ sự hy sinh nào đến mức tử vì đạo. Vì vậy, tôi nhắc lại lời mời của tôi với tất cả các khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến Đất Thánh. Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng tai sẽ là người được chào đón nhất.

Nhắc lại các đau khổ của các Kitô hữu ở Syria và Đất Thánh, Đức Thượng phụ Twal nói rằng "sống làm người Kitô hữu ở Trung Đông không phải là một sự lựa chọn, nhưng là một ơn gọi. Để biết sự sống lại, người ta phải biết đến thập giá".

6. Tin tức ngày Thứ Sáu Tuần thánh trên thế giới: hành hương tại Giê-ru-sa-lem, và đóng đinh vào thập giá tại Phi Luật Tân

Theo thông lệ vào ngày thứ Sáu Tuần thánh, các lễ nghi tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem và việc diễn lại việc Chúa chịu đóng đinh tại một ngôi làng phía bắc Phi Luật Tân đã gây sự thu hút cho khách hành hương Kitô giáo.

Hãng tin Associated Press nói rằng "Hàng trăm Kitô hữu nối đuôi nhau đi qua các ngõ hẻm lát đá cuội của thành phố cổ Giê-ru-sa-lem", trong khi hãng tin Agence France Presse nói “hàng chục ngàn người...".

Đưa tin về việc diễn lại sự kiện Chúa bị đóng đinh, trong đó dân làng tình nguyện bị đóng đinh và treo trên thập tự giá trong "nhiều phút", hãng tin AP dẫn lời Đức Tổng Giám mục Jose Palma, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Phi Luật Tân, nói:

“Việc diễn lại này là không phải mong muốn của Chúa Giêsu Kitô. Chúng tôi biết rằng việc diễn lại sự kiện Chúa chịu đóng định đã có từ lâu rồi... nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng việc này không nên được thực hiện nữa”. Ngài nói thêm: "Tất cả chúng ta nên tập trung vào cầu nguyện thì hơn".

Hãng tin Reuters cho biết rằng tập tục trên đã có cách đây khoảng 60 năm, và hiện nay là một sự hấp dẫn du lịch lớn. 

Đức Giám mục phụ tá Pablo David, giáo phận San Fernando, nói với hãng tin Reuters: "Chúng tôi không có lập trường xóa bỏ các tập tục này. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi có quyền cấm cản, chỉ vì chúng mang tính cách các thói tục dân gian hơn là phụng vụ Rôma của chúng tôi. Một bộ phận dân chúng vẫn xem các Phụng Vụ Rôma là quá xa lạ, hoặc thuộc trí tuệ chứ không thuộc cảm xúc”.

Hãng tin Agence France Presse viết: “Người Công giáo nhiệt tâm ở Phi Luật Tân tái diễn các giờ sau hết của Chúa Giêsu Kitô vào ngày thứ Sáu Tuần thánh, tự đánh vào lưng và đóng đinh mình vào thập giá, trong một nghi lễ rùng rợn, vốn vẫn tồn tại mặc dù Giáo Hội không chấp thuận". Hãng tin cho biết rằng Hội đồng giám mục Phi Luật Tân đã chỉ trích việc thực hành này trong nhiều thập kỷ qua.

7. Đức Thánh Cha bổ nhiệm người kế nhiệm Ngài ở Tổng giáo phận Buenos Aires 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm người kế nhiệm Ngài, làm Tổng giám mục của tổng giáo phận Buenos Aires, Argentina.

Đức cha Mario Aurelio Poli, người đang là Giám Mục giáo phận Santa Rosa, được bổ nhiệm kế vị Đức Giáo Hoàng trông coi tổng giáo phận của Argentina. Ngài từng là một Giám mục phụ tá ở Buenos Aires từ năm 2002 đến năm 2008 khi Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio còn là Tổng Giám Mục tại đây.

8. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp nhận Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô ngày 7 tháng Tư

Tòa thánh Vatican đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chính thức tiếp nhận Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô vào ngày 7-4, ngày Chúa Nhật thứ 2 mùa Phục Sinh và cũng là lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. 

Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ chính tòa của vị Giám Mục Rôma. Đức Tân Giáo Hoàng đã trì hoãn việc tiếp nhận nhà thờ này, để cho việc cử hành không diễn ra trong Mùa Chay sám hối.

9. Đông đảo tín hữu địa phương và khách hành hương trong Vương Cung Thánh Đường Emmaus

Cũng như mọi năm, các cư dân của Al Qubeibe (Kinh Thánh gọi là Emmaus) hân hoan khi thấy rất nhiều xe bus và xe hơi đậu gần vương cung thánh đường. Hàng trăm tín hữu địa phương từ Giê-ru-sa-lem, các nơi khác nhau của Bờ Tây và Israel, và người hành hương từ các nơi như Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan và Pháp, đã cùng nhau kỷ niệm ngày cuối cùng của Tuần Thánh ở nơi này. Đây là nơi mà, sau cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ để họ biết rằng các tin đồn là đúng sự thật: Ngài đã thực sự sống lại.

Đông đảo tín hữu địa phương và khách hành hương vào nhà thờ để tham dự lễ trọng truyền thống, được cử hành bởi Linh mục Quản thủ Thánh địa, Pierbattista Pizzaballa. Mặc dù có nhiều ghế xếp đặt xung quanh gian giữa nhà thờ, nhiều tín hữu đã phải đứng để theo dõi buổi lễ vì các tín hữu quá đông. Tuy nhiên, niềm vui lễ Phục sinh chắc chắn đã giúp họ đứng tham dự thánh lễ, tiếp theo là một bữa ăn sáng mộc mạc.

Đối với một số nhóm hành hương, đây là thánh lễ cuối cùng của cuộc hành hương bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá tuần trước. Cần phải rời khỏi Al Qubeibe để đến ngay sân bay, họ ăn bữa ăn dã ngoại cá nhân trong các khu vườn. Còn những người không theo một lịch trình chặt chẽ lại được hưởng vẻ đẹp của khu vực đỉnh đồi, với quang cảnh tuyệt đẹp của nó. Sau bữa ăn, họ đến vào một trường học cũ, được biến tạm thời thành căn phòng ăn cho dịp này. Một bữa ăn chung đơn giản được phục vụ, và được chia sẻ bởi các tu sĩ và các tín hữu... một sự chia sẻ rất có ý nghĩa do chính tên của địa điểm nổi tiếng này.

Sau khi ăn uống và dành thời gian tận hưởng môi trường xung quanh, các tín hữu một lần nữa vào nhà thờ. Lúc này, ai cũng có chỗ ngồi, không ai phải đứng để tham dự giờ Kinh lễ Phục sinh. Vào cuối nghi thức biểu tượng này, cộng đoàn cùng hát thánh ca trong tiếng chuông ngân vang vọng khắp thung lũng.

Sau các nghi thức, vị Quản thủ Thánh địa, linh mục Pierbattista Pizzaballa, lên xe của ngài trở về Giê-ru-sa-lem giữa tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Phía sau xe của ngài, đoàn xe bus đã được phép từ Bộ Quốc phòng Israel sử dụng trạm kiểm soát quân sự Al Jib, rút ngắn chuyến đi trở về. Nếu họ bị buộc phải qua trạm kiểm soát Kalandiya là trạm kiểm soát chính từ Bờ Tây đến Giê-ru-sa-lem, chuyến đi sẽ lâu thêm vài giờ nữa.

Việc cử hành lễ tại Emmaus là một ngày vui vẻ tràn đầy niềm hoan hỉ huynh đệ, khi tất cả mọi người cảm nghiệm sự sống lại và sự hiện ra công khai của Chúa Giêsu theo cách riêng của mình. Được cổ vũ bởi ngày này, nhiều người hành hương đã trở về, tự hứa là sẽ khuyến khích gia đình, bạn bè và những người quen biết của mình hãy đến Đất Thánh vào năm tới, để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm tình cảm này. 

10. Tòa Thánh Vatican tuyên phong 65 vị tử đạo của thế kỷ 20

Lần đầu tiên, Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô đã chuẩn y một loạt công bố, nhằm tuyên phong 65 vị tử đạo mới, tất cả đều thuộc thế kỷ 20.

Trong một loạt các Sắc lệnh ban hành ngày 27 tháng 3 với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô, Thánh Bộ Phong Thánh đã xác nhận việc tử đạo của một số người Tây Ban Nha, Romania, Đức, Hungary, và Ý. 

Thánh Bộ cũng khẳng định một phép lạ được gán cho sự cầu bầu của nữ tu Maria Theresa Bonzel (1830 - 1905), người Đức sáng lập Tu hội các Nữ Tu Thánh Phanxicô chầu thánh thể liên tục. Giống như các vị tử đạo được tuyên phong cùng một ngày, nữ tu hiện giờ có đủ điều kiện để được phong Chân phước.

Cuối cùng, các sắc lệnh của Tòa thánh xác nhận "nhân đức anh hùng” của 7 ứng viên: 5 linh mục, một thầy trợ sĩ và một nữ giáo dân. Tất cả có thể có đủ điều kiện cho việc phong chân phước, nếu có một phép lạ được gán cho sự cầu bầu của họ.

11. Phim Un Dios Prohibido

Trong một sự trùng hợp rất đặc biệt, các vị tử đạo người Tây Ban Nha được Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn y án phong Thánh hôm 27 tháng Ba cũng là những nhân vật chính trong cuốn phim vừa mới được hoàn thành và sắp trình chiếu trong Mùa Hè này.

Bộ phim Tây Ban Nha này có nhan đề 'Un Dios Prohibido' (Một Thiên Chúa bị cấm) mô tả thảm kịch của một nhóm các tu sĩ Dòng Claretian truyền giáo, khi các ngài bị bắn chết năm 1936, trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.

Bộ phim kể lại việc các chủng sinh trẻ bị đe dọa vì đức tin Kitô giáo như thế nào. Nhà nước cộng sản trao cho họ một tối hậu thư bắt phải bỏ đạo, họ quyết định duy trì thực hành đức tin của mình, bất chấp các sự đe dọa cho cái chết của họ. Họ đã cầu nguyện và rước lễ trong bí mật, trước khi bị bắn chết.

Họ bị giết hồi tháng 8-1936. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước cho các vị tử đạo hồi tháng 10-1992. Bộ phim sẽ được chiếu ở các rạp của Tây Ban Nha trước mùa hè năm 2013.


CÙNG THEO DÕI QUA VIDEO

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

THÁNH KINH 100 TUẦN- ĐGM PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM

( Khi nghe Kinh Thánh 100 tuần, rất cần cuốn KINH THÁNH GỒM CẢ CỰU ƯỚC LẪN TÂN
ƯỚC, để học, đối chiếu và áp dụng vào cuộc sống)" Nguồn: suyniem.com"