Anh chị em thân mến,
Năm nay, chúng ta cử hành
Ngày Truyền Giáo Thế Giới trong khi chuẩn bị kết thúc Năm Ðức Tin. Ðây quả là
một cơ hội quan trọng để chúng ta thắt chặt hơn tình bằng hữu giữa chúng ta với
Thiên Chúa và hành trình của chúng ta xét như một Giáo Hội truyền giảng Tin
Mừng với lòng can đảm. Trong viễn cảnh này, tôi xin chia sẻ một vài suy tư của
mình.
1. Ðức tin là một tặng phẩm vô cùng quý giá của
Thiên Chúa, giúp mở tâm trí chúng ta ra để hiểu biết và yêu mến Ngài. Ngài muốn
đi vào trong tương quan với chúng ta để làm cho chúng ta thông dự vào sự sống
của riêng Ngài và làm cho cuộc sống của chúng ta thêm ý nghĩa hơn, tốt hơn và
tươi đẹp hơn. Thiên Chúa yêu thương chúng ta! Tuy nhiên, đức tin cần phải được
đón nhận, nó cần lời đáp trả cá vị của chúng ta, sự can đảm tín thác hoàn toàn
cho Chúa, sống tình yêu của Ngài và cảm tạ vì lòng nhân ái vô lượng của Ngài.
Ðó là một tặng phẩm, không phải dành cho một số ít người nhưng là dành cho tất
cả với lòng quảng đại. Mọi người đều phải có thể cảm nghiệm được niềm vui vì
được Thiên Chúa yêu thương, niềm vui ơn cứu độ! Ðó là một tặng phẩm mà người ta
không thể giữ cho riêng mình, nhưng phải được sẻ chia. Nếu chúng ta muốn giữ nó
cho riêng mình, chúng ta sẽ trở thành những người Kitô hữu cô lập, cằn cỗi và
ốm yếu. Rao giảng Tin Mừng là một phần của việc là môn đệ Ðức Kitô và đó là một
dấn thân liên lỉ làm sống động trọn vẹn đời sống trong Giáo Hội. "Tầm vươn
xa của việc truyền giáo là dấu chỉ rõ ràng cho thấy mức độ trưởng thành của một
cộng đoàn giáo hội" (Benedict XVI, Verbum Domini, 95). Mỗi cộng đoàn sẽ
"trưởng thành" khi nó tuyên xưng đức tin, cử hành đức tin với niềm
vui sướng trong phụng vụ, sống đức ái, rao giảng Lời Chúa một cách không ngừng
nghỉ, rời bỏ chốn an toàn của mình để mang đức tin ấy đến những "vùng
ngoại biên", đặc biệt là đến với những ai chưa có cơ hội biết Ðức Kitô.
Sức mạnh của đức tin chúng ta, ở cấp độ cá nhân và cộng đoàn, có thể được đo
lường bởi khả năng thông truyền đức tin ấy cho những người khác, khả năng lan
tỏa và sống đức tin ấy trong tình bác ái, trong việc làm chứng cho nó trước
những ai chúng ta gặp gỡ và những người cùng chia sẻ với chúng ta hành trình
cuộc sống.
2. Năm mươi năm sau khi Công Ðồng Vatican II bắt
đầu, Năm Ðức Tin thúc đẩy toàn thể Giáo Hội hướng tới một sự ý thức mới về sự
hiện diện của nó trong thế giới đương đại và về sứ mạng của nó giữa muôn dân
nước. Tinh thần truyền giáo không chỉ là vấn đề về những vùng lãnh thổ địa lý,
nhưng còn về các dân tộc, nền văn hóa và các cá nhân, bởi vì "các ranh
giới" của đức tin không chỉ vượt qua các nơi chốn và truyền thống con
người, nhưng còn là con tim của mỗi người nam nữ. Công Ðồng Vatican II đã nhấn
mạnh cách đặc biệt đến việc nhiệm vụ truyền giáo, nhiệm vụ mở rộng các biên
giới đức tin, thuộc về những người đã chịu phép rửa và tất cả cộng đoàn Kitô
hữu như thế nào; vì "dân Chúa sống trong các cộng đoàn, đặc biệt là trong
các giáo phận và giáo xứ, và cách nào đó đức tin trở nên hiển hiện trong họ,
việc làm chứng cho Ðức Kitô cho mọi dân nước là tùy thuộc vào họ" (Ad
Gentes, 37). Vì thế, mỗi cộng đoàn được khuyến khích, và được mời gọi biến lời
mời gọi của Ðức Giê-su dành cho các Tông Ðồ thành của mình, để trở thành
"nhân chứng của Người ở Giêrusalem, qua miền Giuđêa và Samaria và đến tận
cùng trái đất"(Cv 1:8) và điều này không phải là điều thứ yếu trong đời
sống Kitô hữu của chúng ta, nhưng là điều chính yếu: tất cả chúng ta được mời
gọi để bước đi trên mọi nẻo đường thế giới với các anh chị em của chúng ta,
tuyên xưng và làm chứng cho đức tin vào Ðức Kitô và biến chúng ta thành những
sứ giả Tin Mừng. Tôi mời gọi các Giám Mục, Linh Mục, Hội Ðồng Mục Vụ, các cá
nhân và nhóm có trách nhiệm trong Giáo Hội hãy giữ một vị thế nổi bậc cho chiều
kích truyền giáo này trong các chương trình mục vụ và huấn luyện, với một sự
hiểu biết rằng dấn thân tông đồ của họ sẽ không hoàn thành trừ phi nó nhắm đến
"việc làm chứng cho Ðức Kitô trước muôn dân muôn nước." Việc truyền
giáo này không đơn thuần là một chiều kích mang tính chương trình trong đời
sống Kitô hữu, nhưng nó còn là một chiều kích mang tính kiểu mẫu, ảnh hưởng đến
toàn bộ các phương diện khác trong đời sống Ki-tô hữu.
3. Công việc loan báo tin mừng thường gặp phải những
khó khăn, không chỉ bên ngoài, nhưng có khi nằm trong chính cộng đoàn giáo hội.
Ðôi khi chúng ta thiếu nhiệt thành, niềm vui, cam đảm và hy vọng trong việc rao
giảng Thông Ðiệp của Ðức Kitô cho tất cả mọi người và trong việc giúp đỡ con
người trong thời đại chúng ta gặp gỡ Ngài. Ðôi khi, vẫn còn có tư tưởng cho
rằng rao giảng chân lý Tin Mừng là một xâm hại đến tự do. Ðức Phaolô VI đã nói
rất hùng hồn về điều này: "Sẽ là ... một sai lầm khi áp đặt cái gì đó lên
lương tâm của người anh chị em. Nhưng mang đến cho lương tâm của họ chân lý của
Tin Mừng và ơn cứu độ trong Ðức Giêsu Kitô, với một sự rõ ràng tuyệt đối và sự
tôn trọng hoàn toàn chọn lựa tự do của họ... là một bằng chứng cho thấy sự tự
do này." (Evangelii Nuntiandi, 80). Chúng ta phải luôn luôn can đảm và vui
mừng khi giúp người ta, với lòng tôn trọng, gặp gỡ Ðức Kitô, và khi trở nên sứ
giả của Tin Mừng. Ðức Giêsu đến giữa chúng ta để cho chúng ta thấy con đường
cứu độ và ngài giao phó cho chúng ta sứ mạng chiếu tỏa con đường ấy đến tật
cùng thế giới. Thông thường, chúng ta vẫn hay thấy người ta nhấn mạnh và nói
nhiều đến bạo lực, dối trá và sai phạm. Trong thời đại này của chúng ta, thật
là cấp thiết để loan báo và làm chứng cho sự tốt đẹp của Tin Mừng, và chúng ta
làm điều này trong lòng Giáo Hội. Bởi vì, về phương diện này, điều quan trọng
là không bao giờ được quên một nguyên lý căn bản dành cho từng người đi rao
giảng Tin Mừng: ta không thể rao giảng về Ðức Kitô mà không có Giáo Hội. Công
cuộc rao giảng Tin Mừng không phải là hành vi riêng lẽ hay mang tính cá nhân
tách biệt; đó luôn luôn mang tính giáo hội. Ðức Phaolo VI đã viết rằng,
"khi một nhà giảng thuyết, giáo lý viên hay Linh Mục vô danh nào rao giảng
Tin Mừng, quy tụ thành một cộng đoàn nhỏ với nhau, thông truyền đức tin cho
nhau, cử hành một Bí Tích, dù là làm một mình, người ấy vẫn đang thực thi một
hành vi mang tính giáo hội." Người ấy cử hành "không bởi một sứ mạng
mà người ấy dấn mình vào hay bởi một sự gợi hứng cá nhân nào, nhưng trong sự
liên đới với sứ mạng của Giáo hội và nhân danh giáo hội." (ibid. 60). Và
chính điều này đã thêm sức cho sứ mạng và khiến cho mỗi thừa sai và người đi
rao giảng Tin Mừng không bao giờ cảm thấy cô đơn, nhưng là một phần của Thân
Thể độc nhất do Thánh Thần thúc đẩy.
4. Trong kỷ nguyên của chúng ta, sự lưu động rộng
khắp và sự dễ dàng của việc truyền thông nhờ các phương tiện tân tiến đã nối
kết con người, tri thức, kinh nghiệm lại với nhau. Vì lý do công việc, các gia
đình phải di chuyển từ châu lục này đến châu lục khác; những trao đổi về chuyên
môn và văn hóa, du lịch và các hiện tượng khác cũng đã dẫn đến những phong trào
lớn của con người. Ðiều này đã gây ra những khó khăn, thậm chí cho các cộng
đoàn giáo xứ, để biết người nào sống vĩnh cư hay tạm thời trong một khu vực.
Ngoài ra, trong những lãnh địa rộng lớn đã một thời theo Công Giáo, số người
trở nên xa lạ với đức tin hay thờ ơ với chiều kích tôn giáo hay bị những mê tín
khác lôi kéo càng lúc càng gia tăng. Vì thế, rất thường khi một số người đã
lãnh bí tích rửa tội có những chọn lựa cho lối sống của mình xa lạc với đức
tin, khiến họ cần một "cuộc truyền giảng Tin Mừng mới". Tất cả những
vấn nạn này càng làm sáng tỏ một sự thật là có một bộ phận lớn trong cộng đồng
nhân loại chưa nắm bắt được tin mừng của Ðức Giêsu Kitô. Chúng ta cũng sống
trong một thời đại khủng hoảng vốn đụng chạm đến các chiều kích khác nhau của
sự hiện hữu, không chỉ về kinh tế, tài chính, an toàn thực phẩm, hay môi
trường, nhưng còn cả những chiều kích liên quan đến ý nghĩa sâu xa của sự sống
và những giá trị nền tảng tác động đến nó. Thậm chí, việc con người đồng hiện
hữu cũng được đánh dấu bởi những căng thẳng và mâu thuẫn, gây ra những bất an
và khó khăn trong việc tìm ra một con đường đúng đắn cho một nền hòa bình vững
chắc. Trong hoàn cảnh phức tạp này, nơi mà phạm vi của hiện tại và của tương
lai dường như đang trải qua những bóng đêm đe dọa, thật cần thiết biết bao để
chúng ta rao giảng một cách can đảm và trong mọi tình huống Tin Mừng của Ðức
Kitô, một thông điệp của hy vọng, hòa giải, hiệp thông, và một cuộc loan truyền
sự gần gũi của Thiên Chúa, lòng thương xót, ơn cứu độ của Người, và một cuộc
rao giảng rằng quyền năng của tình yêu Thiên Chúa có thể vượt qua bóng đêm sự
dữ và dẫn dắt chúng ta trên đường lành. Anh chị em trong thời đại chúng ta cần
một ánh sáng chắc chắn soi chiếu đường đi của họ và ánh sáng ấy chỉ có được nhờ
gặp gỡ được Ðức Kitô. Chúng ta hãy mang đến cho thế giới, qua chứng tá của
chúng ta, với lòng yêu mến, niềm hy vọng mà đức tin mang lại! Tinh thần truyền
giáo của Giáo Hội không phải là lôi kéo người theo tôn giáo khác vào tôn giáo
của mình, nhưng là chứng từ của một đời sống tỏa chiếu con đường ngập tràn hy
vọng và tình yêu. Giáo Hội - tôi nhắc lại lần nữa - không phải là một tổ chức
cứu trợ, không phải là một xí nghiệp, hay một tổ chức phi chính phủ, nhưng là
một cộng đoàn những người được Thánh Thần gợi hứng, những người đã và đang sống
kinh nghiệm tuyệt vời của việc gặp gỡ Ðức Giêsu Kitô và muốn chia sẻ cho người
khác kinh nghiệm vui mừng thẳm sâu này, là thông điệp cứu độ mà Thiên Chúa đã
ban cho chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội đi trên hành trình
này.
5. Tôi khuyến khích mỗi người hãy trở thành một
người mang tin mừng Ðức Kitô và tôi đặc biệt tri ân các nhà truyền giáo, các
linh mục sống tinh thần Fidei Donum, các tu sĩ nam nữ và giáo dân - rất đông -
những người đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, rời bỏ quê hương của mình để
phục vụ Tin Mừng trong những miền đất và văn hóa khác. Nhưng tôi cũng muốn nhấn
mạnh rằng cũng cùng các Giáo Hội trẻ đó đang dấn thân cách quảng đại như thế
nào trong việc sai gửi các nhà truyền giáo đến các Giáo Hội đang gặp khó khăn -
thường là những Giáo Hội có truyền thống Kitô giáo lâu đời - và vì thế mang
luôn cả sự tươi tắn và lòng nhiệt thành của đức tin mà họ đang sống, một đức
tin có khả năng làm mới lại đời sống và trao ban hy vọng. Ðể có thể sống chiều
kích phổ quát này, đáp lại lệnh truyền của Ðức Giêsu: "Hãy đi và làm cho
muôn dân trở thành môn đệ Thầy" (Mt 28:19) là một sự phong phú cho mỗi
Giáo Hội địa phương, mỗi cộng đoàn, và việc gửi các thừa sai ra đi không bao
giờ là một điều thua thiệt, nhưng là một mối lợi. Tôi mời gọi hết thảy những ai
cảm nghiệm được lời mời gọi này hãy đáp lại tiếng nói của Chúa Thánh Thần cách
quảng đại, tùy theo bậc sống của mình, và không ngại tỏ ra hào phóng với Thiên
Chúa. Tôi cũng mời gọi các Giám Mục, gia đình công giáo, các cộng đoàn và toàn
thể các nhóm Kitô, với sự nhận định cẩn thận và rộng lớn, hãy nâng đỡ các nhà
truyền giáo gọi là ad gentes và trợ giúp các Giáo Hội đang cần các linh mục, tu
sĩ nam nữ và giáo dân, hầu có thể thắt chặt hơn cộng đoàn Kitô hữu. Và mối bận
tâm này cũng cần phải có trong các Giáo Hội vốn là một phần của cùng một Hội
Ðồng Giám Mục và một Vùng, bởi vì thật là quan trọng khi những giáo hội giàu ơn
gọi giúp đỡ cách rộng lượng hơn những giáo hội thiếu ơn goi.
Ðồng thời, tôi cũng xin các
nhà truyền giáo, đặc biệt là các linh mục sống theo Fidei Donum và giáo dân,
hãy vui sống việc phục vụ quý giá của mình trong các giáo hội mà họ được sai
đến và mang niềm vui cũng như kinh nghiệm của họ về những Giáo Hội quê hương
của mình, hãy nhớ Phaolo và Banaba ở cuối hành trình truyền giáo thứ nhất của
họ đã "tường thuật thế nào những điều Thiên Chúa đã cùng làm với họ và
Ngài đã mở cánh cửa đức tin cho các dân ngoại như thế nào" (Cv 14:27). Họ
có thể trở thành con đường cho một loại "quay trở lại" của đức tin,
mang sự tươi tắn của các Giáo Hội trẻ đến với các Giáo Hội có truyền thống
Ki-tô giáo lâu đời, và nhờ đó giúp họ tái khám phá ra sự nhiệt thành và niềm
vui của việc san sẻ đức tin trong một cuộc trao đổi làm phong phú cho nhau trên
hành trình theo Chúa.
Mối bận tâm dành cho tất cả
các giáo hội mà Giám Mục Rôma chia sẻ với anh em Giám Mục của mình tìm thấy một
sự diễn tả quan trọng trong hoạt động của Hội Ðồng Truyền Giáo Giáo Hoàng
(Pontifical Mission Societies), một cơ quan nhằm thúc đẩy và đào sâu ý thức
truyền giáo của mỗi người Ki-tô hữu đã được rửa tội, và mỗi cộng đoàn, bằng
việc nhắc nhở họ nhớ đến nhu cầu đào luyện việc truyền giáo một cách sâu sắc
hơn cho toàn thể Dân Chúa và bằng việc khuyến khích các cộng đoàn Ki-tô hữu
đóng góp cho việc lan toàn Tin Mừng trên thế giới.
Cuối cùng, tôi muốn diễn ra
một suy nghĩ về các Kitô hữu, những người sinh sống trên khắp mọi miền của thế
giới, đang trải nghiệm những khó khăn trong việc tuyên xưng cách công khai niềm
tin và trong việc hưởng các năng quyền pháp lý để có thể tuyên xưng đức tin của
mình. Họ là những anh chị em của chúng ta, những chứng nhân can trường - thậm
chí còn đông hơn các vị tử đạo trong các thế kỷ đầu - họ là những người đang
chịu đựng nhiều hình thức bách đạo đương đại với một sự ngoan cường mang tính
tông đồ. Một số người đã liều mình quyết giữ lòng trung tín với Tin Mừng của
Ðức Kitô. Tôi thành thực xác quyết lại lần nữa sự gần gũi của tôi trong lời cầu
nguyện đối với các cá nhân, gia đình và cộng đoàn đang phải chịu đựng những bạo
lực và thù hằn, và tôi lặp lại với họ những lời an ủi của Ðức Giêsu: "Hãy
can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16:33)
Ðức Biển Ðức XVI đã diễn tả
niềm hy vọng rằng: "Lời Chúa sẽ lan tỏa nhanh chóng và được tôn vinh khắp
nơi" (2 Tx 3:1). Ước gì năm đức tin này không ngừng gia tăng mối tương
quan giữa chúng ta với Ðức Chúa Giê-su Ki-tô, vì chỉ trong Người, ta mới có
được một sự chắc chắn để nhìn về tương lai và một đảm bảo của tình yêu chân
thực và kéo dài mãi" (Porta fidei, 15). Ðây là mong ước của tôi cho Ngày
Truyền Giáo Thế Giới năm nay. Tôi ưu ái ban phép lành cho các nhà truyền giáo
và tất cả những ai đồng hành và nâng đỡ công cuộc dấn thân nền tảng này của
Giáo Hội trong việc rao giảng Tin Mừng cho khắp mọi người ở tận cùng trái đất.
Nhờ đó, chúng ta, xét như những thừa tác viên và nhà truyền giáo của Tin Mừng,
cảm nghiệm được "niềm vui dịu ngọt và an ủi của việc loan báo tin
mừng" (PAUL VI, Evangelii Nuntiandi, 80)
Từ Vatican, 19.5.2013, Lễ
Trọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Phanxicô, Giáo Hoàng
Chuyển ngữ: Phêrô Lê Hoàng
Nam, SJ
(Radio Vatican)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét