Bí tích Rửa Tội biến tín hữu trở thành chi thể
của Giáo Hội Thân Mình của Chúa Kitô, môn đệ và thừa sai
Bí tích Rửa Tội tháp nhập chúng ta vào Chúa
Kitô, làm cho chúng ta trở thành chi thể của Giáo Hội và biến chúng ta trở
thành môn đệ và thừa sai loan báo Tin Mừng bằng lời nói và việc làm, mỗi người
theo cương vị của mình.
Đức Thánh Cha đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu và du khách
hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ
tư 15-1-2014.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy đề tài giáo lý hiệu
qủa quan trọng của bí tích Rửa Tội: đó là làm cho chúng ta trở thành các chi
thể của Thân Mình Chúa Kitô và Dân Thiên Chúa. Thánh Toma thành Aquino khẳng
định rằng ai lãnh nhận bí tích Rửa tội thì được gia nhập vào Chúa Kitô như
chính chi thể của Người và được gia nhập cộng đoàn tín hữu (Summa Theologiae,
III, q.69, art.5 q.70, art.1). Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ:
Theo học trường của Công Đồng Chung Vaticăng II ngày nay chúng
ta nói rằng bí tích Rửa Tội làm cho chúng ta vào trong Dân Chúa, trở thành các
chi thể của một dân tộc tiến bước lữ hành trong lịch sử.
Thật thế, như người ta thông truyền sự sống từ thế hệ này sang
thế hệ khác, cũng thế từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua giếng rửa tội người
ta thông truyền ơn thánh, và với ơn thánh Dân Chúa bước đi trong thời gian, như
một dòng sông tưới gội trái đất và phổ biến phước lành của Thiên Chúa trong thế
giới. Từ khi Chúa Giêsu nói điều này, mà chúng ta đã nghe từ Phúc Âm, các môn
đệ đã ra đi rửa tội, và từ thời đó cho tới nay có một dây xích trong việc thông
truyền đức tin qua bí tích Rửa Tội, và mỗi người trong chúng ta là một móc của
dây xích đó, một bước luôn tiến tới như một dòng sông tưới gội. Ơn thánh của
Thiên Chúa là như thế, và đức tin của chúng ta là như thế, mà chúng ta phải
thông truyền cho con cái, thông truyền cho các trẻ em, để khi chúng lớn lên
chúng cũng có thể thông truyền cho con cái chúng. Bí tích Rửa Tội là như thế.
Tại sao vậy? Bởi vì bí tích Rửa Tội làm cho chúng ta bước vào dân này của Thiên
Chúa, là dân thông truyền đức tin. Đây là điều rất quan trọng. Một dân của
Thiên Chúa bước đi và thông truyền đức tin.
Nhờ bí tích Rửa Tội chúng ta trở thành môn đệ thừa sai, được mời
gọi đem Tin Mừng vào trong thế giới (Evangelium gaudium, 120). Mỗi người trong
chúng ta, dù có nhiệm vụ nào trong Giáo Hội và có mức độ đào tạo đức tin ra
sao, cũng là chủ thể tích cực của việc rao truyền Tin Mừng... Việc tái truyền
giảng Tin Mừng đòi hỏi một phong trào tác nhân mới của từng người đã được rửa
tội” (ibid). Dân Chúa là một Dân môn đệ, bởi vì lãnh nhận đức tin, và là thừa
sai, bởi vì thông truyền đức tin. Đó là điều mà bí tích Rửa Tội làm nơi chúng
ta: nó khiến cho chúng ta nhận được ơn thánh. Và đức tin thông truyền đức tin.
Trong Giáo Hội chúng ta tất cả là các thừa sai, mỗi người trong
cương vị của mà Chúa đã trao phó cho. Tất cả mọi người: người nhỏ nhất cũng là
thừa sai, và người xem ra lớn hơn là môn đệ. Nhưng mà có người nói rằng: ”Thưa
cha, các Giám Mục không phải là các môn đệ, các Giám Mục biết mọi sự; Đức Giáo
Hoàng biết mọi sự, ngài không phải là môn đệ”. Nhưng mà cả các Giám Mục và Giáo
Hoàng cũng phải là các môn đệ, bởi vì nếu các vị không là môn đệ, thì các vị
không làm tốt, không thể là thừa sai được, không thể thông truyền đức tin. Hiểu
chưa? Anh chị em đã hiểu điều này chưa? Nó rất quan trọng. Chúng ta tất cả đều
là môn đệ và thừa sai.
Có một dây không thể tháo cởi được giữa chiều kích thần bí và
chiều kích truyền giáo của ơn gọi kitô, cả hai đều đâm rễ sâu trong bí tích Rửa
Tội. ”Khi nhận lãnh đức tin và bí tích Rửa Tội, kitô hữu chúng ta lãnh nhận
hoạt động của Chúa Thánh Thần, là Đấng dẫn đưa tới chỗ tuyên xưng Chúa Giêsu
Kitô là Con Thiên Chúa và gọi Thiên Chúa là ”Abba” Cha. Mọi người nam nữ đã
được rửa tội đều được mời gọi sống và thông truyền sự hiệp thông với Thiên Chúa
Ba Ngôi, bởi vì truyền giáo là một lời mời gọi tham dự vào sự hiệp thông của Ba
Ngôi Thiên Chúa (Tài liệu Aparecida, 157). Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh trên sự
hiệp thông này như sau:
Không ai được cứu rỗi một mình. Đây là điều quan trọng. Không ai
được cứu rỗi một mình. Chúng ta là cộng đoàn các tín hữu và trong cộng đoàn
chúng ta sống kinh nghiệm vẻ đẹp chia sẻ kinh nghiệm của một tình yêu đi trước
tất cả chúng ta, nhưng đồng thời xin chúng ta trở thành ”các con kênh” ơn thánh
cho nhau, cho dù chúng ta có các hạn hẹp và tội lỗi. Chiều kích cộng đoàn không
chỉ là một ”cái khung”, một trang điểm chung quanh, mà là phần toàn vẹn của
cuộc sống kitô, của chứng tá và việc loan báo Tin Mừng. Đức tin kitô nảy sinh
và sống trong Giáo Hội, và trong bí tích Rửa Tội, các gia đình và các giáo xứ
cử hành việc sát nhập vào một chi thể mới vào Chúa Kitô và vào thân mình Người
là Giáo Hội (ibid., 175b).
Liên quan tới tầm quan trọng của bí tích Rửa Tội đối với Dân
Chúa, cộng đoàn kitô bên Nhật Bản thật nêu gương sáng, khi họ bị bách hại vào
đầu thế kỷ XVII. Đã có nhiều vị tử đạo, các giáo sĩ bị trục xuất và hàng ngàn
tín hữu bị giết. Không có linh mục nào ở lại bên Nhật Bản: tất cả đều bị trục
xuất hết. Khi đó cộng đoàn rút lui vào sự lén lút, bằng cách duy trì đức tin và
lời cầu nguyện trong trốn tránh. Khi một trẻ em sinh ra thì cha hay mẹ rửa tội
cho chúng. Khi vào khoảng hai thế kỷ rưỡi sau đó - 250 năm sau - các thừa sai
trở lại Nhật Bản, hàng ngàn kitô hữu đã ra sống công khai và Giáo Hội đã có thể
tái nở hoa. Họ đã sống sót nhờ ơn thánh của bí tích Rửa Tội.
Và đây là điều cao cả đúng không? Dân Chúa thông truyền đức tin,
rửa tội cho các con cái của mình và tiến tới. Và họ đã duy trì được một tinh
thần cộng đoàn mạnh mẽ, dù trong bí mật, bởi vì bí tích Rửa Tội đã làm cho họ
tất cả trở thành một thân mình duy nhất của Chúa Kitô: họ đã bị cô lập và lẩn
tránh, nhưng đã luôn luôn là các chi thể của Giáo Hội. Chúng ta có thể học hỏi
từ lịch sử ấy.
Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu hiện diện, đặc biệt các đoàn
hành hương đến từ các nước châu Mỹ Latinh như Argentina, Uruguay, Mêhicô và
Brasil. Chào các tín hữu nói tiếng A rập, Đức Thánh Cha khích lệ họ noi gương
các kitô hữu Nhật Bản. Ngài nói: các khó khăn và bách hại, khi được sống với
niềm tin tưởng và hy vọng, chúng thanh tẩy và củng cố đức tin. Anh chị em hãy
là các chứng nhân của Chúa Kitô và Tin Mừng của Người, hãy là các người con
đích thật của Giáo Hội và luôn sẵn sàng trao ban lý lẽ cho niềm hy vọng của anh
chị em với tình yêu thương và lòng tôn trọng.
Đức Thánh Cha cũng chào đoàn hành hương giáo phận Civitavecchia
Tarquinia do Đức Cha Luigi Marrucci hướng dẫn. Ban nhạc của giáo phận đã liên
tục cử hành nhiều bản nhạc vui. Ngài cũng chào tín hữu và đông đảo sinh viên
học sinh giáo phận Caserta.
Hôm thứ tư 15-1-2014 Đức Thánh Cha cũng dành nhiều giờ để chào
thăm vuốt ve, an ủi hàng trăm bệnh nhân ngồi trên xe lăn. Chào các bạn trẻ,
người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nói Chúa Nhật vừa qua
chúng ta đã cử hành lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa. Nó là dịp thuận tiện giúp
chúng ta suy tư trở lại việc thuộc về Chúa Kitô trong niềm tin nơi Giáo Hội.
Ngài khuyên các bạn trẻ hàng ngày biết tái khám phá ra ơn thánh đến từ bí tích
Rửa Tội.
Đức Thánh Cha khích lệ các bệnh nhân kín múc nơi bí tích Rửa Tội
sự ủi an cho các đau khổ của họ. Và ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới
biết diễn tả các ơn của bí tích Rửa Tội trong các dấn thân trên con đường cuộc
sống gia đình.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa
thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét